Luật Doanh Nghiệp

Phân biệt công ty TNHH 1 thành viên và doanh nghiệp tư nhân

1. Định nghĩa Doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên

Công Ty TNHH 1 thành viên: Theo khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ công ty. 
Doanh Nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 là doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Chủ sở hữu

Công Ty TNHH 1 thành viên: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (Điều 74 Luật Doanh Nghiệp 2020)
Doanh Nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh ( Điều 188 Luật Doanh Nghiệp 2020).

3. Vốn góp

Công Ty TNHH 1 thành viên: Do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. Chủ sở hữu phải góp đủ vốn đã cam kết trong thời gian 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ( Điều 75 Luật Doanh Nghiệp 2020). Khi góp vốn bằng các loại tài sản phải đăng ký theo quy định pháp luật thì cần đăng ký chuyển quyền sở hữu từ chủ sở hữu sang công ty.
Doanh Nghiệp tư nhân: Do chủ sở hữu tự đăng ký. Không cần làm thủ tục chuyển quyền sở hữu các tài sản phải đăng ký sở hữu theo pháp luật từ chủ sở hữu cho doanh nghiệp (Điều 189 Luật Doanh Nghiệp 2020).

4. Cơ chế chịu trách nhiệm:

Công Ty TNHH 1 thành viên: Chủ sở hữu chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty (Khoản 1 Điều 74 Luật Doanh Nghiệp 2020).
Doanh Nghiệp tư nhân: Chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình. Tức là nếu tài sản của công ty không đủ để trả các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính khác thì chủ sở hữu sẽ phải dùng tài sản riêng của mình để giải quyết các khoản nợ này (Điều 188 Luật Doanh Nghiệp 2020).

5. Quyền chuyển nhượng vốn góp

Công Ty TNHH 1 thành viên: Chủ sở hữu công ty có toàn quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty (Điều 76 Luật Doanh Nghiệp 2020)
Doanh Nghiệp tư nhân: Chủ sở hữu không có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư mà chỉ có quyền bán hoặc cho thuê DNTN cho cá nhân, tổ chức khác (Điều 191 và Điều 192 và Khoản 4 điều 188 Luật Doanh Nghiệp 2020)

6. Cơ cấu tổ chức

Công Ty TNHH 1 thành viên: Công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý theo một trong hai mô hình sau đây:
+ Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
+ Hội đồng thành viên (trong đó bầu ra một người làm Chủ tịch Hội đồng thành viên), Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
(Điều 79 Luật Doanh Nghiệp 2020)
Doanh Nghiệp tư nhân: Chủ sở hữu tự quản lý hoặc thuê người quản lý. Chủ sở hữu là người đại diện theo pháp luật (Điều 190 Luật Doanh Nghiệp 2020)

7. Thay đổi vốn điều lệ

Công Ty TNHH 1 thành viên:

– Có thể tăng vốn điều lệ bằng những cách sau:
+ Huy động thêm vốn góp của chủ sở hữu;
+ Huy động thêm vốn đầu tư của cá nhân, tổ chức khác.
Lưu ý: Trường hợp huy động thêm vốn đầu tư của cá nhân, tổ chức khác thì công ty TNHH 1 thành viên phải tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
– Có thể giảm vốn điều lệ bằng những cách sau:
+ Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;
+ Vốn điều lệ không được chủ sở hữu góp vào đầy đủ và đúng hạn.
(Điều 87 Luật Doanh Nghiệp 2020)
Doanh Nghiệp tư nhân:
Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán).
Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
(Khoản 3 Điều 189 Luật Doanh Nghiệp 2020)

Công ty TNHH một thành viên và Doanh Nghiệp tư nhân đều là các lựa chọn phổ biến cho những ai muốn bắt đầu kinh doanh với quyền sở hữu cá nhân. Tuy nhiên, mỗi loại hình có những đặc điểm riêng biệt phù hợp với nhu cầu và mục tiêu khác nhau của chủ sở hữu. Trong khi công ty TNHH một thành viên cung cấp lợi ích về mặt pháp lý và khả năng bảo vệ tài sản cá nhân thì doanh nghiệp tư nhân lại có sự đơn giản và linh hoạt trong quản lý. Lựa chọn phù hợp phụ thuộc vào các yếu tố như quy mô kinh doanh, ngành nghề và kế hoạch phát triển dài hạn của chủ doanh nghiệp. Mỗi nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng các điểm mạnh và hạn chế của từng loại hình để đưa ra quyết định tối ưu cho sự nghiệp kinh doanh của mình.

Qua bài viết trên, Pháp Lý Minh Phúc đã cung cấp cho quý khách những thông tin cần thiết để phân biệt giữa 2 loại hình doanh nghiệp đó là Công ty TNHH 1 thành viên và Doanh Nghiệp tư nhân. Nếu quý khách có bất kỳ thắc mắc về việc thành lập doanh nghiệp, quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Pháp Lý Minh Phúc để được tư vấn miễn phí và toàn diện. Quý khách vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN PHÁP LÝ MINH PHÚC
Hotline: 0985.233.413
Email: phaplyminhphuc@gmail.com
Website: luatminhphuc.vn
Địa chỉ: Số 19, Ngõ 272, Thanh Bình, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội